Cải tạo kinh tế tại miền Bắc Việt Nam Cải tạo kinh tế tại Việt Nam

Trước tiên, vấn đề cải tạo này đã được thực hiện tại miền Bắc sau năm 1954. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố: Thời kỳ khôi phục kinh tế đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch.

Tháng 11/1958, Đảng Lao động quyết định đề ra kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa trong 3 năm 1958-1960 và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa (bao gồm hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo tư bản tư doanh)[1][2], kế hoạch phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 12 năm 1958[3].

Từ ngày 16 đến ngày 30/4/1959 và từ ngày 1 đến ngày 10/6/1959, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II đã họp Hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) và ra Nghị quyết Về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội[4]. Nghị quyết Hội nghị này khẳng định: "Một trong những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xoá bỏ kinh tế tư bản tư doanh, xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ giai cấp tư sản." Sau đó chủ trương này được khẳng định nhiều lần là "xóa bỏ giai cấp tư bản và kinh doanh tư bản chủ nghĩa".[5] Hội nghị này xác định: "Đảng chủ trương từng bước "cải tạo hoà bình" công thương nghiệp tư bản tư doanh nhằm cải tạo quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, giải phóng công nhân trong xí nghiệp tư bản tư doanh; cải tạo người tư sản thành người lao động; đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý trong các xí nghiệp; giáo dục, tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế (1954-1957), Đảng đã thi hành chính sách sử dụng, hạn chế, bước đầu cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Hội nghị này phân tích: "Sử dụng, hạn chế và cải tạo là ba mặt liên quan mật thiết với nhau. Để sử dụng, phải hạn chế, có hạn chế được mới sử dụng được tốt, và đồng thời với việc sử dụng và hạn chế, thì phải cải tạo kinh tế tư bản tư doanh từng bước từ hình thức thấp lên hình thức cao, tiến đến hoàn toàn cải tạo". Hội nghị cho rằng đã có đủ điều kiện để đẩy cuộc vận động hoà bình cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến tới một bước quyết định, đưa xí nghiệp tư bản tư doanh từ hình thức thấp và vừa lên hình thức cao của chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ yếu là hình thức công tư hợp doanh, chuyển chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về căn bản thành chế độ sở hữu của Nhà nước và trên cơ sở quan hệ sản xuất mới đó, biến dần người tư sản dân tộc thành người lao động. Hội nghị đã đề ra hình thức cải tạo và những chính sách cụ thể. Hình thức xí nghiệp công tư hợp doanh là hình thức chủ yếu để cải tạo những xí nghiệp tương đối lớn, quan trọng; ngoài ra, các xí nghiệp khác sẽ cải tạo theo hình thức xí nghiệp hợp tác. Những chính sách cụ thể nhằm thực hiện tốt các hình thức cải tạo đã được hội nghị đề ra như: kiểm kê và định giá tài sản; định chính sách lãi và mức lãi; xếp công việc cho người tư sản và gia đình họ...[4].

Cải tạo nông nghiệp

Đến cuối năm 1960, ở miền Bắc có 84,8% số hộ nông dân đã gia nhập hợp tác xã, chiếm 76% tổng diện tích canh tác, 520 hợp tác xã ngư nghiệp chiếm 77,2% tổng số hộ đánh cá, có 269 hợp tác xã nghề muối chiếm 85% tổng số hộ làm muối.[6]

Cải tạo công nghiệp

Sau khi chiến thắng Pháp trong Chiến tranh Pháp - Việt (1946-1954), chính quyền Đảng Lao động Việt Nam thực hiện cải tạo công thương nghiệp và cải cách ruộng đất nhằm quốc hữu hóa các tài sản do thực dân Pháp để lại sau chiến tranh cũng như xử lý hơn 2.000 mẫu ruộng bị bỏ hoang nhằm phục vụ phát triển kinh tế và sản xuất lương thực. Mục tiêu khác của Đảng Lao động là điều chỉnh công, thương nghiệp tư doanh, khuyến khích và giúp đỡ công, thương nghiệp phát triển đúng hướng. Giúp đỡ các cơ sở làm đường, mật, nông cụ tăng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Nghiên cứu, hướng dẫn sản xuất vôi, gạch để phục vụ kiến thiết cơ bản... Tổ chức cho nhân dân học tập chính sách phát triển công, thương nghiệp và chính sách thuế công, thương nghiệp. Chuẩn bị đủ lực lượng hàng hóa để đảm bảo bình ổn giá cả. Khuyến khích và giúp đỡ phát triển khai thác lâm sản. Sửa chữa, khôi phục các tuyến đường giao thông. Thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, chống tham ô, lãng phí, thu đúng, thu đủ thuế nông nghiệp và thuế công, thương nghiệp. Đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, áp dụng phương pháp cải tạo hòa bình.[7] Về kinh tế, nhà nước không tịch thu tư liệu sản xuất của tư sản dân tộc mà dùng chính sách chuộc lại. Đối với thợ thủ công, đưa họ vào các HTX tiểu thủ công nghiệp, cung cấp nguyên vật liệu, công cụ, thiết bị, giúp từng bước cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản xuất góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch Nhà nước.Đối với những người buôn bán nhỏ thì giáo dục, giúp đỡ họ từng bước đi vào con đường làm ăn tập thể, chuyển phần lớn những người trong số họ sang sản xuất. Đến cuối nǎm 1957, giá trị sản lượng nông nghiệp và công nghiệp tính chung đã xấp xỉ nǎm 1939. Sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực đã vượt mức trước chiến tranh. Ba nǎm sau khi hoà bình lập lại, sản lượng thóc ở miền Bắc đạt được 4 triệu tấn, đảm bảo tự cung cấp theo mức bình quân khoảng 300 kg thóc một đầu người; đó là một thắng lợi to lớn về kinh tế và chính trị. Thủ công nghiệp khôi phục và phát triển nhanh, tǎng thêm nhiều ngành, nghề, nhiều sản phẩm mới. Sản xuất công nghiệp tuy chưa bằng trước chiến tranh nhưng hầu hết các nhà máy cũ đã chạy đều, được thay thế và bổ sung thiết bị, một số nhà máy mới được xây dựng thêm, cơ sở công nghiệp hiện đại tǎng nhiều hơn trước. Giá trị sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp chiếm một phần ba tổng giá trị sản lượng nông nghiệp và công nghiệp, trong đó công nghiệp hiện đại chiếm trên 9%.[8][9]

Tới năm 1960, cơ bản quá trình cải tạo kinh tế đã hoàn thành khi có 81% thợ thủ công chuyên nghiệp đã vào các hình thức hợp tác xã. Không kể các hợp tác xã đánh cá, làm muối, khai thác gỗ, thì đến cuối năm 1960 ở miền Bắc đã có 2760 hợp tác xã chuyên sản xuất các mặt hàng về thủ công nghiệp. Trong đó có 521 hợp tác xã bậc cao và 2239 hợp tác xã bậc thấp, 60% những người buôn bán nhỏ đã được cải tạo, tham gia vào các tổ mua bán hay các hợp tác xã mua bán và trên 10.000 người được chuyển sang các ngành sản xuất. Đến giữa năm 1961, có 180.000 tiểu thương tức 80% tống số mới được tổ chức lại trong các hợp tác xã trong đó có hơn 60 ngàn người đã chuyển hẳn qua sản xuất.[10]

Sau 3 năm cải tạo kinh tế (1958-1960), ở thành thị, 100% số cơ sở công nghiệp tư bản tư doanh thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác, 1.553 doanh nhân thành người lao động. Có 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia các hợp tác xã thủ công nghiệp, trong đó hơn 70.000 thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp.[6]

Theo số liệu thống kê, trong vòng 3 năm (1955 -1957) giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng gấp 6,4 lần, từ 34,1 triệu đồng lên 219 triệu đồng, giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp - thủ công nghiệp miền Bắc tăng 269%, từ 310 triệu đồng lên 834 triệu đồng. Công nghiệp quốc doanh chiếm tỉ trọng ngày càng vượt trội trong giá trị sản lượng khu vực công nghiệp hiện đại (từ 41,7% lên 66,6%), góp phần đưa tỉ lệ công nghiệp hiện đại trong nền kinh tế từ 1,5% lên 9,5% (năm 1939 tỷ lệ này là 10%). Nhờ duy trì tốc độ phát triển cao (trên 50% hàng năm) trong thời kỳ 1958-1960, vào năm 1960, công nghiệp quốc doanh đạt giá trị sản lượng 840 tr. đồng, bằng 383% giá trị sản lượng năm 1957 và gấp 25 lần giá trị sản lượng năm 1955. Tỷ trọng công nghiệp quốc doanh trong giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp miền Bắc có sự thay đổi đáng kể, từ 34,4% lên 57%. Công nghiệp địa phương bắt đầu có sự khởi sắc. Cùng với việc trung ương giao lại một số cơ sở cho địa phương, thì các tỉnh và địa phương cũng dựa vào nguồn lực của mình và một phần hỗ trợ của trung ương để xây dựng thêm nhiều cơ sở mới. Số cơ sở công nghiệp quốc doanh địa phương từ 170 xí nghiệp với 8.152 công nhân năm 1958 lên 546 xí nghiệp với 25.712 công nhân năm 1959 và 722 xí nghiệp với 44.407 công nhân năm 1960. Trong đó, các xưởng, trạm cơ khí chiếm 46%, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 28%, sản xuất phân bón hoá học, thuốc trừ sâu chiếm 5,8%...Đến cuối năm 1960, cải tạo công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp căn bản hoàn thành trên miền Bắc. Kết quả, đã chuyển 729 xí nghiệp tư bản tư doanh thành 661 xí nghiệp công tư hợp doanh và 68 xí nghiệp hợp tác. Có 9.481 người làm thuê được chuyển thành công nhân viên các xí nghiệp công tư hợp doanh, 400 người trong số họ được đề bạt chánh phó quản đốc, phân xưởng trưởng và phó. Đa số các nhà tư sản đã tiếp thu cải tạo, một số tư sản và nhân sĩ yêu nước còn xin hiến tài sản, hiến tức cho Chính phủ. Ở Hà Nội có 10 nhà tư sản xin được hiến tức. Một số nhà tư sản tích cực còn được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo mới của xí nghiệp. Đồng thời với việc cải tạo tư sản công nghiệp, Nhà nước cũng tiến hành hợp tác hoá tiểu thủ công nghiệp cá thể, tiểu chủ. Đến cuối thời kỳ này, hầu hết diêm dân và ngư dân cũng đã vào các tổ hợp tác và hợp tác xã ngư nghiệp và làm muối. Trong cải tạo tiểu thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ, Đảng Lao động và chính quyền chỉ đạo tiến hành theo các hình thức tổ chức hợp tác khác nhau. Sau hai năm, ngành thủ công nghiệp đã xây dựng được 45.000 hợp tác xã, thu hút 75% thợ thủ công ở thành thị và nông thôn, bước đầu tăng thêm đầu tư thiết bị, cải tiến kỹ thuật.[11]

Cải tạo thương nghiệp

Trong lĩnh vực thương nghiệp, đến 60% tổng số người buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, kinh doanh ngành ăn uống thuộc diện cải tạo đã tham gia hợp tác xã, tổ mua bán, làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh và trên 10.000 người đã chuyển sang sản xuất.[6]

Cải tạo các ngành khác

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải tạo kinh tế tại Việt Nam http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://209.85.175.104/search?q=cache:KxdwDGT9oCcJ:... http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_c... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-... http://www.moit.gov.vn/vn/pages/lichsuphattrien.as... http://www.moit.gov.vn/web/guest/co-cau-to-chuc?p_... http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20l... http://baochi.nlv.gov.vn/baochi?a=d&d=Qik19790104.... http://cpv.org.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang...